Tiệc cưới là thời điểm ý nghĩa nhất của mỗi cặp đôi, vì vậy, vô tình khiến bạn căng thẳng, lo lắng. Những lưu ý khi tổ chức tiệc cưới Trống Đồng chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn cởi bỏ những nỗi lo để sẵn sàng cho một đám cưới trọn vẹn và hạnh phúc nhất bên cạnh những người mình yêu thương.
1. LƯU Ý TRƯỚC KHI TỔ CHỨC TIỆC CƯỚI
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trước khi tiệc cưới diễn ra sẽ giúp bạn chủ động tổ chức tiệc cưới tốt hơn, sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp và cả những sự cố bất ngờ trong buổi tiệc. Hãy cùng xem các lưu ý trước khi tổ chức tiệc cưới dưới đây.
1.1. Lập ngân sách cụ thể và bám sát
Cô dâu và chú rể có thể cùng trao đổi xem ngân sách hai bạn muốn chi trả cho tiệc cưới cụ thể là bao nhiêu, hai bạn có ý định vay mượn thêm để chuẩn bị cho đám cưới hay không và gia đình hai bên có hỗ trợ thêm không. Khi có một con số cụ thể, các khâu chuẩn bị tiếp theo sẽ dễ dàng hơn, bám sát và cân đối theo ngân sách đã đặt ra ban đầu.
Đừng quên lập một bản dự thảo ngân sách ghi rõ các nguồn thu, chi trước khi bắt tay vào việc chuẩn bị tổ chức vì nó sẽ giúp các cặp đôi hạn chế đáng kể việc chi tiêu “vượt ngưỡng” cũng như nảy sinh những tranh chấp vì chi tiêu không rõ ràng.
1.2. Chốt số lượng khách mời trước khi chọn địa điểm
Chốt được số lượng khách mời sẽ giúp bạn hình dung được nên chọn địa điểm như thế nào tổ chức tiệc cưới cho phù hợp. Khách mời vừa phải thì bạn có thể chọn địa điểm tổ chức gần gũi, ấm cúng. Với lượng khách mời lớn thì bạn nên cân nhắc lựa chọn địa điểm rộng rãi, thoáng đãng như các trung tâm tổ chức sự kiện lớn hay những bữa tiệc ngoài trời.
Một lưu ý nhỏ, tiệc cưới là dịp vui của hai vợ chồng bạn. Bạn không nên “cả nể” mời những người mà hai bạn cảm thấy sự hiện diện của họ có thể làm không khí tiệc cưới trở nên mất vui.
Địa điểm tổ chức tiệc cưới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào số lượng khách mời dự kiến của bạn
1.3. Chọn địa điểm tổ chức phù hợp
Ưu tiên địa điểm gần, thuận tiện
Một trong những lưu ý khi tổ chức tiệc cưới đầu tiên mà các cặp đôi nên nhớ là chọn địa điểm càng gần và thuận tiện càng tốt. Bạn nên tìm kiếm và ưu tiên các địa điểm tổ chức tiệc cưới gần nhà, thuận tiện cho hai bạn, gia đình cũng như đa số các khách mời. Nếu bạn sống ở các thành phố lớn và thường xuyên gặp tình trạng tắc đường thì bạn cũng nên cân nhắc địa điểm thuận tiện cho việc di chuyển.
Ưu tiên không gian phù hợp với số lượng khách mời
Khách mời tham dự tiệc cưới của bạn vừa phải thì bạn nên ưu tiên không gian tổ chức có diện tích cũng vừa phải. Điều này giúp tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng và cũng tiết kiệm chi phí.
Trường hợp số lượng khách mời đông thì bạn nên ưu tiên không gian tổ chức rộng rãi, thoáng đãng ví dụ như tại các trung tâm tiệc cưới lớn hoặc không gian ngoài trời.
Bạn cũng có thể cân nhắc kết hợp địa điểm tổ chức diễn ra cả trong nhà lẫn ngoài trời để vừa có không gian rộng rãi, thoáng đãng vừa tạo được cảm giác gần gũi, ấm cúng.
Một lưu ý khác đó là yếu tố thời tiết. Nếu thời gian bạn tổ chức tiệc cưới thường xuyên có mưa hoặc gặp thời tiết bất lợi thì bạn không nên tổ chức tiệc cưới ngoài trời.
Nếu lựa chọn địa điểm tổ chức ngoài trời, bạn nên chuẩn bị kỹ cho vấn đề thời tiết
Ưu tiên không gian phù hợp sở thích
Bạn thích không gian tổ chức tiệc cưới trang trọng, lịch lãm hay tối giản, thanh thoát, tinh tế? Bạn sẽ chỉ cảm thấy thực sự vui vẻ, thoải mái nếu tiệc cưới được tổ chức trong không gian phù hợp sở thích của mình. Vì vậy, bạn hãy ưu tiên lựa chọn địa điểm tổ chức có không gian phù hợp sở thích.
Lưu ý khi tổ chức đám cưới tại các trung tâm tiệc cưới
Bạn có thể lựa chọn đặt lịch tiệc cưới vào lúc thấp điểm của các trung tâm tiệc cưới để có báo giá, chi phí cho tiệc cưới hợp lý hơn. Trung tâm tiệc cưới có thể sẽ phục vụ rất nhiều đám cưới cùng lúc do đó bạn nên cân nhắc khả năng của trung tâm có thể đáp ứng, không gây ảnh hưởng đám cưới của bạn hay không.
Lưu ý khi tổ chức tại địa điểm gần nhà hoặc nhà văn hóa
Tổ chức tiệc cưới tại địa điểm gần nhà hoặc nhà văn hóa có thể giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí nhưng nếu địa điểm này không phù hợp số lượng khách mời tương đối lớn hoặc đòi hỏi sự sang trọng với hệ thống đèn lung linh thì bạn nên cân nhắc thay đổi địa điểm.
Đặt lịch tiệc cưới sớm
Nếu bạn đã xác định được ngày tổ chức tiệc cưới, bạn nên đặt lịch thuê địa điểm sớm. Điều đó sẽ giúp bạn tránh được tình trạng các trung tâm, nhà hàng tổ chức tiệc cưới bị hết chỗ khi vào mùa cao điểm.
Hãy luôn ưu tiên lựa chọn không gian và concept tiệc phù hợp với sở thích/tính cách của hai bạn
1.4. Chuẩn bị các loại giấy tờ, thủ tục
Tùy vào quy định mỗi địa điểm tổ chức khác nhau, bạn có thể sẽ phải chuẩn bị các loại giấy tờ, thủ tục khác nhau. Ví dụ giấy tờ thủ tục như căn cước công dân; chứng minh thư nhân dân, giấy đăng ký kết hôn… và có thể sẽ cần đặt cọc trước một phần tiền.
Bạn nên trao đổi kỹ càng với đơn vị tổ chức về mong muốn, nhu cầu tổ chức tiệc cưới của mình. Hai bên đi đến thống nhất ký hợp đồng thì bạn cần rà soát, kiểm tra kỹ càng hợp đồng từng chi tiết, để tránh các phát sinh, tranh chấp có thể xảy ra về sau.
1.5. Xem xét điều kiện thời tiết
Tính đến các vấn đề về thời tiết là một lưu ý quan khi tổ chức tiệc cưới mà nhiều cặp đôi dễ “bỏ quên”. Thực tế tình hình thời tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảm nhận của khách mời về buổi tiệc cưới. Vì vậy nếu trời quá nắng nóng thì phòng tiệc cần trang bị đầy đủ quạt gió, điều hòa. Nếu tổ chức tiệc cưới vào mùa đông thì phòng tiệc cần kín đáo, ấm áp. Hoặc nếu trời mưa thì phương án tổ chức tiệc cưới ngoài trời cần có biện pháp che chắn mưa hợp lý hoặc di chuyển tiệc cưới vào không gian trong nhà…
Chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với thời tiết trong ngày trọng đại của hai bạn
1.6. Lựa chọn hình thức tổ chức tiệc cưới phù hợp
Căn cứ vào ngân sách, số lượng khách mời, khả năng đáp ứng của địa điểm tổ chức, điều kiện thời tiết… mà bạn quyết định lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp.
Hình thức | Ưu điểm | Nhược điểm |
Trong nhà | Tạo không gian gần gũi, ấm cúng | Với số lượng khách mời lớn, tiệc trong nhà có thể gây cảm giác chật chội, bí bách |
Ngoài trời | Đáp ứng được số lượng khách mời lớn với không gian rộng rãi, thoáng đãng | Công đoạn chuẩn bị phức tạp, chi phí tổ chức gia tăng hơn |
Tiệc đứng | Phong cách hiện đại, trẻ trung, phù hợp với khách mời trẻ tuổi | Khó tạo được cảm giác trang trọng |
Tiệc ngồi | Phong cách truyền thống, trang trọng, phù hợp với khách mời trung, cao tuổi | Có thể dẫn đến cảm giác hình thức, cứng nhắc |
Buffet | Đa dạng món ăn và khách mời được lựa chọn món theo sở thích | Có thể dẫn đến tình trạng dư thừa, lấy quá nhiều đồ ăn không dùng đến |
Chọn món | Bạn có thể kiểm soát dễ dàng thực đơn, số lượng mâm cỗ | Không đa dạng món ăn |
Tiệc mặn | Cách tổ chức truyền thống thường gặp | Chi phí cao |
Tiệc ngọt | Tạo sự phá cách, nét mới trong tổ chức tiệc cưới | Có thể tạo cảm giác không trang trọng |
Trên biển | Tạo cảm giác khoáng đạt, lãng mạn, ghi dấu kỷ niệm đáng nhớ của cô dâu, chú rể | Công đoạn chuẩn bị phức tạp, chi phí tổ chức gia tăng hơn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết |
Trên đất liền | Dễ dàng, thuận tiện bố trí, sắp đặt tổ chức tiệc cưới hơn | Có thể tạo cảm giác theo lối mòn, không có điểm nhấn phá cách |
Hình thức tổ chức tiệc cưới phù hợp sẽ giúp bạn và khách mời thoải mái, vui vẻ
1.7. Lưu ý về thiệp cưới
Bạn nên lựa chọn và đặt thiệp cưới sớm để chủ động, hạn chế các rủi ro như in thiệp không kịp hoặc có sai sót trong khâu in ấn.
Thiệp in xong, bạn cần hoàn tất phần ghi tên khách mời và gửi thiệp mời sớm ít nhất trước 1 tuần so với thời điểm tổ chức tiệc cưới. Bạn cũng lưu ý không nên gửi thiệp mời quá sớm như trước 2 – 3 tuần hoặc sớm hơn nữa vì khách mời sẽ khó nhớ được lịch tổ chức của bạn.
Một mẹo về thiết kế thiệp cưới là bạn có thể lựa chọn màu sắc thiệp cưới cùng màu hoặc gần tương tự với màu sắc chủ đạo trong tiệc cưới. Ví dụ màu sắc chủ đạo trong tiệc cưới của bạn là màu xanh dương thì thiệp cưới cũng có thể sử dụng màu xanh dương.
1.8. Trang phục cưới phù hợp
Trang phục cưới của cô dâu, chú rể, phù dâu, phù rể đều cần đảm bảo yếu tố phù hợp, sự trang trọng cần thiết. Đặc biệt khi lựa chọn trang phục các cặp đôi cần lưu ý đến thời điểm tổ chức tiệc cưới. Nếu tiệc cưới tổ chức vào mùa nóng bạn nên chọn các trang phục từ chất liệu mỏng, thấm mồ hôi, thiết kế gọn gàng; vào mùa lạnh bạn cần chú ý chọn trang phục đủ ấm, chọn thêm áo khoác cho cô dâu và phù dâu.
Bạn cũng có thể lưu ý về Dress Code – quy định màu sắc trang phục trong tiệc cưới của mình đến các khách mời. Áp dụng Dresscode sẽ giúp tiệc cưới của bạn ấn tượng, sang trọng hơn.
1.9. Thư giãn, giữ tinh thần thoải mái
Đám cưới là một dịp trọng đại, là khoảnh khắc đáng nhớ với mỗi người. Thay vì lo lắng bộn bề cho đám cưới, bạn hãy thư giãn và giữ tinh thần thoải mái, tận hưởng giờ phút hạnh phúc của mình.
Một lưu ý khác trước khi tổ chức tiệc cưới là bạn cũng cần giữ gìn sức khỏe, đảm bảo thể trạng tốt, ngủ sớm hơn và không nên uống quá nhiều rượu bia, chất kích thích trước và trong khi tổ chức tiệc cưới.
Hãy tự tặng cho mình những buổi thư giãn, chăm sóc sắc đẹp trước khi ngày trọng đại diễn ra
1.10. Chia sẻ việc cho bạn bè/người thân
Lưu ý rằng bạn không nên ồm đồm mọi việc khi tổ chức tiệc cưới. Bạn có thể chia sẻ, nhờ cậy bạn bè, người thân chuẩn bị cùng mình các việc như: đặt xe đưa đón; chuẩn bị, kiểm tra âm thanh, ánh sáng; phụ kiện trang trí; những việc phát sinh khác…
Một mẹo để bạn chuẩn bị, sắp xếp công việc hợp lý hơn là chia các công việc cần làm ra thành 4 nhóm ưu tiên thực hiện:
- Nhóm 1 – bạn cần ưu tiên làm ngay và quyết liệt làm đến cùng là các công việc quan trọng và gấp.
- Nhóm 2 – là các công việc quan trọng nhưng không gấp. Bạn có thể sắp xếp làm sau nhưng cần quyết liệt thực hiện khi thu xếp được thời gian.
- Nhóm 3 – là các công việc không quan trọng nhưng gấp. Nhóm việc này bạn có thể chia sẻ, nhờ cậy bạn bè, người thân giúp đỡ.
- Nhóm 4 – là các công việc không quan trọng và không gấp. Nhóm việc này bạn cũng có thể chia sẻ, nhờ cậy bạn bè, người thân giúp đỡ hoặc chỉ làm nếu có thời gian.